28.3.2020 Lm Paul Văn Chi. PDF
Những ngày cấm cung để cầu nguyện và tĩnh tâm như thời gian
tôi bị ở tù tại Trại Tà Niên hay Trại Cải Tạo U Minh Kinh Làng Thứ 7. Hôm nay,
không còn bận bịu nhiều về Mục Vụ cho giáo dân. Đám cưới cancel khoảng trên 10
trường hợp…Người qua đời cũng sợ quyết định của Tòa Tổng Giám Mục và Chính
Quyền Úc chỉ cho tham dự Thánh Lễ An Táng có 10 người, nên các ông bà cụ cao
niên cũng sợ mà không dám ra đi về Nhà Chúa lúc này…Riêng cá nhân tôi, thường
dâng Thánh Lễ lúc 5 giờ chiều mỗi ngày một mình trong thinh lặng…Thứ 5 ngày
26/3/2020, tôi cũng xuống Nhà Nguyện Our Lady of Lavang để dâng Thánh Lễ…Không
có ai tham dự…Không tiếng đàn, không tiếng hát…Tôi cảm nghiệm những giây phút
đặc thù của dâng Thánh Lễ một mình như những ngày trong ngục tù từ năm 1984 tới
năm 1988…Nhưng hôm nay tâm tình khác hẳn…Thánh Lễ trong thời đại Corona Virus
Vũ Hán…Thánh Lễ âm thầm lặng lẽ…Chỉ có Chúa và tôi cùng Hiền Mẫu Maria bên
cạnh…Sau khi cử hành nghi thức sám hối với lời nguyện Nhập Lễ, Bài Đọc trích
sách Xuất Hành sao phù hợp với hoàn cảnh Corona Virus Vũ Hán quá…Xuất Hành
tường trình lại những ngày gian khổ của Dân Do Thái trong sa mạc 40 năm…Niềm
tin của họ cũng chao đảo trong những khó khăn thách đố…Họ cũng mất tin tường và
trông cậy vào Thiên Chúa, khi đối diện với những khó khăn…Họ cũng đã phản bội
lại Chúa vì cầu nguyện mà Chúa chẳng cho theo ý họ…Vậy là họ đúc tượng bò vàng
ngay dưới chân Núi Sinai để tôn thờ bò vàng, khi đang chờ đợi Mô Sê gặp gỡ
Thiên Chúa để lãnh nhận 10 Điều Răn như một Giao Ước giữa Thiên Chúa với dân Do
Thái…
Đoàn Hành Hương dưới chân Núi Sinai 2005 nơi Dân Do Thái
đúc tượng bỏ vàng.
Hãy đọc Sách Xuất Hành tường
thuật như sau: “Trong những ngày ấy, Chúa
phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất
Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã
đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và
nói rằng: "Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi
đất Ai-Cập". Chúa phán cùng Môsê: "Ta thấy rõ dân này là một dân cứng
cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng,
rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại." Môsê van xin
Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: "Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ
với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập?
Xin Chúa đừng để cho người Ai-Cập nói rằng: "Người đã khéo dẫn họ đến đây,
để giết họ trên núi và huỷ diệt họ khỏi mặt đất." Xin Chúa nguôi cơn giận
và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi Dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham,
Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: "Ta sẽ làm
cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho con
cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ
này mãi mãi". Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe
doạ phạt dân Người.”
Tôi cảm nghiệm thấy bàn tay Chúa Yêu thương vẫn đồng hành
với nhân loại trong sự thử thách của đại dịch Corona Vũ Hán…Ngài luôn đồng hành
bên mỗi người chúng ta…Tôi không bị nhiều thử thách như Dân Do Thái xưa kia,
nhưng đang đối diện với đại dịch Corona Vũ Hán…Thiên Chúa cũng đang nhắn nhủ
tôi qua biến cố này…Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta tĩnh tâm trong hoàn cảnh
hiện tại…Không có những cuộc hội họp, không có những sinh hoạt Mục Vụ đoàn thể,
không có Ultreya…Nhất là không được cử hành những Thánh Lễ công cộng…Nhiều
người gọi điện thoại để hỏi xem mấy giờ dâng Thánh Lễ…Tôi trả lời là không có Thánh
Lễ công cộng…Các Nhà Thờ đều đóng cửa…Tôi thấy mọi người khao khát tham dự
Thánh Lễ khác hẳn trước kia…Nhiều người nhất là giới trẻ không sốt sắng đi tham dự Thánh Lễ…Thánh Lễ
công cộng bây giờ thành khan hiếm và quý giá…Các thông báo của các Tòa Giám Mục
về luật không bó buộc xem Lễ công cộng
ngày Chúa Nhật, có thể xem Thánh Lễ trực tuyến…Ai cũng khao khát muốn tham dự
Thánh Lễ một cách tích cực…Người ta hỏi nhau xem Thánh Lễ ở trang mạng nào…Đi
xưng tội thế nào…Rước Lễ làm sao…Con người đang đói khát Thiên Chúa giữa cơn
khủng hoảng của đại dịch Corona Vũ Hán…Những tin đồn tiêu cực hoang mang nhan
nhản trên facebook, trên các trang mạng, các nhắn tin vô tội vạ…càng làm cho
con người hoang mang lo lắng…
Một số người gọi tôi xin xưng tội…Vội vàng đeo khẩu trang
xuống Văn Phòng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam giúp đỡ họ…Sau khi xưng tội xong,
ai nấy đều mỉm cười hạnh phúc và vui tươi…Tôi đọc được niềm hạnh phúc và vui
tươi đó trên khuôn mặt của rất nhiều người trẻ đến xưng tội bằng Anh Ngữ…Gặp
nhau không bắt tay chào hỏi nhau cũng thấy ngượng nghịu lắm…Nhưng mỉm cười và
cúi đầu chào nhau để cho nhau niềm tin và yêu thương…Tôi đọc được niềm cậy
trông tha thiết và hy vọng nơi những người tôi gặp gỡ…Corona Virus Vũ Hán xem
ra muốn ngăn cách cuộc sống và con người sống ích kỷ hơn…Người ta sợ sệt gặp
nhau vì lo sợ lây bệnh…Ai nấy cố gắng ở nhà tránh gặp gỡ tối đa vì sợ con virus
Corona Vũ Hán…Tôi cũng lo sợ, nhưng tuyệt đối tín thác vào Chúa và Mẹ Maria…Tôi
thường chia sẻ với mọi người: “Bên phải tôi là Chúa Giêsu choàng tay tôi, bên
cánh tay trái tôi là Hiền Mẫu Maria dắt tôi đi…” Tôi hoàn toàn phó thác…Tôi có
nhiều giờ cầu nguyện với Kinh Mân Côi hơn do bớt đi những Mục Vụ Mùa Chay bận
bịu như trước kia…
Lúc 10 đêm thứ 6 ngày 27/3/2020, tôi theo dõi và cầu nguyện
theo ý chỉ của Đức Thánh Cha từ Quảng Trường Thánh Phêrô bên Roma…Lời kinh sốt
sắng…Đặc biệt nhất, lúc 4 giờ sáng Thứ 7 ngày 28/3/2020, tức là khoảng 6 giờ
chiều bên Roma, tôi cùng tham dự giờ Kinh Nguyện, Chầu Thánh Thể và lãnh Ơn
Toàn Xá với Đức Thánh Cha Phanxicô trên trang mạng Vietcatholic và trang thông
tin của anh Nguyễn Quốc Hào Chủ Tịch Phong Trào Cursillo…Tôi cầu nguyện cho thế
giới mau thoát khỏi đại dịch Corona Vũ Hán…Tôi cầu nguyện cho những người thân
yêu, cho gia đình, cầu nguyện cho những người nhờ tôi cầu nguyện…Tôi sốt sắng
cầu nguyện cho những người mà tôi hứa cầu nguyện cho họ nữa…
Khi tham dự
buổi cầu nguyện và lãnh Ơn Toàn Xá với Đức Thánh Cha, tôi thấy hình ảnh bên
trái Bàn Thờ dưới cuối tiền đường Đại Giáo Đường Thánh Phêrô bên Roma là Cây Thánh Giá đặc biệt. Cây Thánh Giá này được người
dân thành Roma tôn sùng và yêu mến. Cây Thánh Giá này thật kỳ diệu, vì đó là
bức tượng duy nhất không bị hư hại sau một đám cháy hoàn toàn thiêu đốt ngôi
nhà thờ vào ngày 23 tháng 5 năm 1519. Rồi ba năm sau, Thành Roma lại bị tàn phá
bởi “bệnh dịch đen - Black Plague.” Người dân Thành Roma đã thỉnh nguyên rước
cây Thánh Giá kỳ diệu này đi quanh thành phố, qua tất cả các quận để đến Quảng
Trường Thánh Phêrô. Cuộc rước kéo dài 16 ngày, từ ngày 4 đến ngày 20 tháng 8
năm 1522. Khi Cây Thánh Giá về lại nhà thờ San Marcello tại phố Corso, thì cơn
dịch cũng biến mất khỏi Thành Roma. Kể từ đó Cây Thánh Giá đã
được đưa đến Quảng Trường Thánh Phêrô 50 năm một lần, nhân dịp các Năm Thánh,
và trên lưng của Cây Thánh Giá có khắc tên các vị Giáo Hoàng chủ sự cuộc rước
kiệu tôn vinh. Tên vị Giáo Hoàng cuối cùng được khắc là Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II. Ngài đã ôm Cây Thánh Giá kỳ diệu này trong buổi lễ “Ngày Xoá Tội”
năm 2000. Tối hôm nay, Cây Thánh Giá kỳ diệu lại sừng sững bên phía trái Bàn
Thờ, như một chứng từ của lòng thương xót, của lòng Chúa yêu thương nhân loại…
Chuyển Cây
Thánh Giá trong nhà thờ San Marcello đến Quảng Trường Thánh Phêrô.
Cây Thánh Giá kỳ
diệu trong nhà thờ San Marcello tại phố Corso Roma.
Hình ảnh bên phải Bàn Thờ là Di
Ảnh Đức Bà Cứu Chữa Dân Thành Roma – Salus
Populi Romani. Di Ảnh Đức Bà Cứu Chữa Dân Thành Roma - Salus Populi Romani là Di Ảnh Đức Mẹ Maria cổ nhất tại Roma, được nhiều Đức Giáo
Hoàng yêu mến kính trọng, là biểu tượng cho lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria
của các Ngài và của Dân Thành Roma. Di Ảnh này được ghi nhận làm nhiều phép lạ.
Do đó, Di Ảnh đã được cung nghinh trong nhiều lần rước kiệu chung quanh thành
phố Roma. Năm 593, Đức Thánh Giáo Hoàng Gregory đã cung nghinh Di Ảnh này chung
quanh thành phố Roma và cầu nguyện để xin Đức Trinh Nữ Maria cứu Dân Thành Roma
thoát khỏi cơn bệnh Dịch Đen-Black Plague. Năm 1571, Đức Giáo Hoàng Pio V đã
cầu nguyện trước Di Ảnh này cho sự kiện chiến thắng tại Lepanto. Năm 1837, Đức
Giáo Hoàng Gregory XVI đã cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria cứu thoát Dân
Thành Roma khỏi bệnh Dịch Tả. Đức Giáo Hoàng Pio XII sinh tại Roma với tên là
Eugenio Pacelli, khi thụ phong Linh Mục, ngài đã cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn đầu
tiên trước Di Ảnh Đức Bà Salus Populi
Romani vào
tháng 4 năm 1899. Năm 1953, Di Ảnh Đức Bà Cứu Chữa Dân Thành Roma- Salus Populi
Romani được cung nghinh khắp thành phố Roma để khai mạc Năm Thánh Maria đầu
tiên trong lịch sử Giáo Hội. Năm 1954, Di Ảnh được Đức Giáo Hoàng Pio XII cung
kính đội Triều Thiên khai mào cho Lễ Kính Trinh Nữ Vương Maria-Queenship of
Mary khởi đầu từ thời gian này. Các Đức Giáo Hoàng Paul VI, John Paul II, Benedict XVI, Francis, đều tha thiết
tôn kính và yêu mến Di Ảnh Đức Bà Cứu Chữa Dân Thành Roma - Salus Populi Romani
qua những sự kiện thăm viếng và cầu nguyện cá nhân hay những nghi thức cử hành
phụng vụ chính thức. Trong cơn đại dịch Corona Vũ Hán,
Di Ảnh Đức Bà Cứu Chữa Dân Thành Roma – Salus Populi Romani lại hiện diện và đồng hành với nhân
loại đêm nay. Tôi và nhiều Cursillista cũng như Giáo Dân Hành Hương rất nhiều lần đến
Đại Giáo Đường Đức Bà Cả tại Roma để cầu nguyện lâu giờ trước Di Ảnh Đức Bà Cứu
Chữa Dân Thành Roma – Salus Populi Romani mà tôi rất kính yêu mỗi lần
trở lại Roma.
Lúc 5 giờ sáng nay Thứ 7 ngày 28/3/2020, tôi và rất nhiều
Quý Anh Chị Cursillista đã đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính để hưởng nhờ Ơn
Toán Xá cầu nguyện cho đại dịch Corona Vũ Hán mau chấm dứt. Sáng nay khi thức
dậy, sau kinh dâng mình và Kinh Nguyện ban sáng, lúc 9 giờ, tôi lượt qua tin
tức về Corona Vũ Hán kinh hoàng với trên 590,628 người nhiễm virus, và 26,966
người qua đời vì virus trong 199 quốc gia và lãnh thổ…Tôi bàng hoàng và cầu
nguyện thêm cho những người qua đời, và cầu nguyện cho những bệnh nhân mau
chóng bình phục…
Lậy Thầy Chí Thánh, Thầy đang trấn an
chúng con trong hoàn cảnh đại dịch Corona Vũ Hán này: “Chính
Thầy đây, đừng sợ.” (Mt. 14:24). Khi Thầy cảnh báo những chiến tranh, ôn
dịch, và thiên tai, Thầy khích lệ chúng con đừng sợ hãi và hãy phó thác tuyệt
đối nơi Thầy: “Đừng sợ hãi.” (Lc. 21:9).
Chúng con muốn lặp lại lời đoan nguyền khi lãnh nhận Sứ Vụ Lệnh: “Và con trông
cậy vào Ơn Thánh Chúa.” Xin Thầy đồng hành với chúng con luôn mãi. Chúng con
hoàn toàn tín thác tuyệt đối nơi Thầy.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Hiền Mẫu của chúng con, giờ đây, chúng
con cậy trông và phó thác cho Mẹ trong hoàn cảnh tai ương này. Chúng con tha
thiết dâng lên Mẹ hiền lời kinh nguyện Lạy Nữ Vương mà chúng con đọc thường
xuyên trong cuộc sống, hôm nay, chúng con đọc tha thiết hơn:
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng
con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ. Chúng con con cháu Evà ở chốn
khách đầy kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà
thương. Hỡi ơi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Ðến
sau khỏi đầy, xin cho chúng con được thấy Ðức Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phúc
lạ. Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
Mến chúc Quý Anh Chị khỏe mạnh, vui tươi, và tràn đầy hồng
ân trong Thầy Chí Thánh và Hiền Mẫu Maria.
Decolores.
Lm Paul Văn Chi.
Sydney 28/3/2020.
Tags
Lá thư LH