Kinh Thánh và Đặc Sủng
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo.” (Mc. 16:15) Đặc sủng được phát xuất từ Tin Mừng vì Đức
Kitô sai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi thọ tạo và lẽ dĩ nhiên Thiên Chúa
ban đặc sủng rao giảng cho môn đệ để Tin Mừng được truyền bá đến tận cùng trái
đất. Nhưng trong Cựu Ước đặc sủng đúc kết
nên Kinh Thánh vì Kinh Thánh được ghi chép lại bởi các tiên tri.
Trong lịch sử của Cựu Ước các tiên tri được Chúa chọn làm
người lãnh đạo của dân Do Thái và là dân tuyển chọn của Thiên Chúa. Các tiên tri đều được tiếp xúc với Thiên Chúa
qua những lần cầu nguyện ví dụ như Abraham dẫn dân Do Thái đến đất hứa và luôn
tin tưởng vào Thiên Chúa thẩm chí sẵn sàng dâng con một của mình Issac cho
Thiên Chúa. Môisen đưa dân Do thái ra khỏi
Ai Cập và truyền Mười Điều Răn cho dân Do Thái.
Mọi tiên tri đều được đặc sủng làm tiên tri có nghĩa là người trung gian
giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Lời nói,
việc làm và cầu nguyện của tiên tri được đúc kết thành Kinh Thánh. Tiên tri Isaiah tiên đoán: “Vì vậy, chính
Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai,
sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.” (Isaiah 7:14) Vua Đavid nhìn Thiên Chúa là mục tử: “Chúa
là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” (Tv. 23:1) Đặc sủng của các tiên tri đều đóng góp vào phần
đời sống tâm linh của chúng ta. Họ làm
chứng cho chúng ta là có Thiên Chúa từ thủa ban đầu. Hơn nữa phụng vụ thánh lễ của bài đọc một và
các thánh vịnh đáp ca được dùng các lời nói của các tiên tri. Ân sủng của Thiên Chúa là từ thời Cựu Ước mà
được trải ban đến mãi ngày nay. “Những
gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế.” (Cv.
10:14)
Đức Kitô đến thế gian để kiện toàn lời của các tiên tri và
thiết lập điều răn mới. Hơn nữa thi hành
thánh ý của Thiên Chúa là mạc khải hình ảnh và lời của Thiên Chúa cho nhân loại. Phúc Âm được sinh ra trong thế gian bởi Đức
Kitô và Phúc Âm được liên kết với Cựu Ước nên thành hình Kinh Thánh. Phúc Âm được đúc kết bởi bốn thánh sử,
Matthew, Marco, Luca và Gioan đã viết lại lời của Đức Kitô. Mãi đến ngày nay Chúa Thánh Thần hối thúc và
ban ân sủng trên Kitô hữu để Phúc Âm được sống động trên mọi dân tộc. Nhân thế đặc sủng cần phải gắn liền với Kinh
Thánh vì Kinh Thánh là nền tảng cho mọi Kitô hữu để tiếp nối sự thật của Kinh
Thánh được tái sinh trong đời sống hằng ngày.
Thánh Phaolô là vị giáo hướng chúng ta tới đặc sủng của Chúa
Thánh Thần. “Trong Hội Thánh, Thiên
Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ
ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng
để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.”
(1 Cor 12:28) Thánh Phaolô cho rằng mọi đặc sủng cần phải dự trên tình yêu của
Thiên Chúa và nếu không có tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta chỉ là người
khuông chuông gõ mõ. “Giả như tôi có
nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có
đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.
….. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi
để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cor 13:1-3) Tình yêu của Thiên Chúa đã được
ghi ấn vào Kinh Thánh từ khi lúc ban đầu và Đức Kitô đến để kiện toàn về tình
yêu của Thiên Chúa. Đặc sủng của chúng
ta cần phải sống bằng tình yêu. Mọi linh
mục và tu sỹ lẽ dĩ nhiên đều cần được phải có tâm hồn yêu mến Kinh Thánh để đặc
sủng của các vị được rao giảng và thể hiện trên con người của các vị. Kinh Thánh là một phần quan trọng trong lịch
phụng vụ và được lập lại sau ba năm.
Cùng một bài đọc nhưng được Chúa Thánh Thần tác động khác nhau và đó là
những lời mà Thiên Chúa muốn rao truyền đến dân Chúa. Và đó là đặc sủng rao giảng lời Chúa của các
vị linh mục. Những vị có đặc sủng mục vụ
những kẻ nghèo nàn và bệnh hoạn như Mẹ Têrêsa thì tâm hồn phục vụ của Mẹ nhận
ra sự phục vụ của Đức Kitô trong Phúc Âm.
Kinh Thánh đã được ghi ấn vào tâm hồn của mọi Kitô hữu và ý
thức được rằng Thiên Chúa là tình yêu.
Hơn nữa nhận thức được Đức Kitô là con Thiên Chúa đã sinh ra trong thế
gian, chịu chết và sống lại. Giáo hội vẫn
đang đứng vững là nền tảng của Kinh Thánh và ý thức đó là công việc của Chúa
Thánh Thần. Mọi Kitô hữu đều là chi thể
của Đức Kitô và từng chi thể đều sử dụng khác nhau và đó là đặc sủng của Thiên
Chúa ban tặng và thể hiện sự vinh quang của Thiên Chúa. Khi chúng ta làm việc thiện hoặc nói chuyện với
người Kitô hữu khác, trong tâm hồn chúng ta đều có sự khuynh hướng về Kinh
Thánh và Phúc Âm. Hoặc đôi lúc chúng ta
tôn vinh Thiên Chúa hay cảm tạ ơn Chúa khi ta thành công một việc gì. Khi chúng ta gặp gian truân chúng ta đều cầu
nguyện xin Chúa phụ giúp. Vậy chính tỏ rằng
Kinh Thánh đã được ghi ấn vào trong tâm hồn của mọi Kitô hữu.
Mỗi khi tôi linh hướng cho bất cứ ai tôi đều lấy Kinh Thánh
là mực tiêu chuẩn để nhận định người chia sẻ.
Hơn nữa khi họ chia sẻ thì tôi nhận thấy Phúc Âm được sống động tại nơi
họ cảm nghiệm. Đôi lúc tôi nhận ra được
tiếng Chúa đang mời gọi họ tiến vào tình thân yêu với Đức Kitô, thật là diễm
phúc vui mừng được cảm nghiệm tình yêu của Đức Kitô thể hiện trước mắt tôi. Qua những cảm nghiệm ấy là những động lực cho
tôi để tiếp tục hăng say thi hành mục vụ linh hướng. Đặc sủng của tôi là linh hướng và Thánh Kinh
là nền tảng để tôi đứng và nhận định Thiên Chúa mời gọi. Khi hai hoặc ba người tụ họp vình danh thầy
thì thầy sẽ ở đó. (Mt. 18:20) Nếu mọi sự chúng ta đều tụ họp vì danh Đức
Kitô thì Ngài sẽ ở giữa ta. Ngoài nhà thờ
và cầu nguyện, chúng ta có thể tụ họp trong bữa cơm gia đình, trong công xưởng
nơi chúng ta làm việc và trong gặp gỡ bạn hữu.
Chỉ vì chúng ta mời Đức Kitô đến dự chung phần với chúng ta là Ngài sẽ
có hiện diện. Mỗi ngày tôi chia sẻ một
đoạn Phúc Âm trên Facebook và đã trải qua đã gần 8 năm. Tuy Phúc Âm cứ tái lập lại theo chu kỳ của lịch
phụng vụ, nhưng tôi khám phá ra là mỗi lần đến đoạn Phúc Âm ấy, tôi đều có cảm
nghiệm suy tư khác. Điều quan trọng là
tôi cần phải suy niệm để nhận ra Chúa chia sẻ gì qua tôi. Dần già tôi nhận thấy Phúc Âm trở thành một
phần của đời sống tôi.
Mục đích của Khóa Ba Ngày Cursillo là giúp khóa sinh nhận ra
chính mình, gặp gở Đức Kitô và gặp gỡ tha nhân.
Phúc Âm là nền tảng của khóa ba ngày.
Mặc dù chúng ta đi trợ tá phục vụ, nhưng chúng ta cần trang bị cho chính
mình nền tảng của Phúc Âm và biết lắng nghe bên trong tâm hồn. Khóa Ba Ngày cũng là thời gian để chúng ta dự
tĩnh tâm và canh tân đời sống tâm linh của chúng ta.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho hai khóa 53 & 54 và
luôn đồng hành với phong trào Cursillo.
De Colores.
Lm. Fx. Vũ Viết Phương