Tu viện là gì? Tu viện hoạt động như thế nào? Thánh Biển Đức (480-547 TCN) được xem là nhà sáng lập đời sống tu viện Tây phương, ngài có lời khuyên như luật căn bản cho các tu sĩ của ngài: Hãy ở trong phòng của mình, nó sẽ dạy anh em mọi điều anh em cần biết. Hiểu cho đúng, đây là một ẩn dụ phong phú, chứ không phải lời khuyên theo nghĩa đen. Khi nói đến một tu sĩ ở trong phòng và để việc đó dạy mình những gì mình cần biết, ngài không nói đến căn phòng tu sĩ trong tu viện. Ngài đang nói đến tình trạng sống hiện tại của một tu sĩ hay của bất kỳ ai.
Quá trình già đi chính là một tu viện tự nhiên. Nếu sống đủ lâu, cuối cùng quá trình già đi sẽ biến tất cả mọi người thành tu sĩ. Các tu sĩ có bốn lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và kiên vững. Quá trình già đi (dường như tàn nhẫn) đưa chúng ta đến với việc bị loại ra rìa, phải phụ thuộc vào người khác, mất đi đời sống tình dục năng nổ, và đi vào tình trạng sống không lối thoát, có thể nói là áp đặt bốn lời khấn đó lên chúng ta. Nhưng như lời khuyên của Thánh Biển Đức, điều này có thể dạy cho chúng ta mọi điều chúng ta cần biết, và nó có sức mạnh độc nhất vô nhị làm chúng ta trưởng thành một cách rất sâu sắc. Các tu sĩ có những bí quyết đáng để chúng ta học hỏi. Quá trình già đi cũng vậy.
Đây có thể đem lại hiểu biết đặc biệt về cách chúng ta có thể biến những ngày tháng cuối đời và cái chết của chúng ta thành một món quà tận căn cho người khác. Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, tử đạo là cách lý tưởng để một tín hữu kết thúc hành trình dương thế. Nó được xem là cách triệt để để noi gương Chúa Kitô và biến cái chết của mình thành một ơn. Dĩ nhiên, sau khi Kitô giáo thành quốc giáo và các đại đế không còn giết hại Kitô hữu nữa, thì chuyện này cần được suy nghĩ lại. Từ đó đã có nhiều nỗ lực để tử đạo có thể hiểu theo nghĩa bóng. Có một cách phổ biến là sau khi nuôi dạy con cái trưởng thành và đến tuổi về hưu, hai vợ chồng sẽ rời nhau và mỗi người đến một tu viện để sống phần đời còn lại như tu sĩ.
Các nhà thần nghiệm Kitô giáo kinh điển nói, trong giai đoạn cuối đời, chúng ta nên đi vào điều mà họ gọi là đêm tối tâm hồn, cụ thể là chúng ta chủ động đưa ra quyết định triệt để dựa trên đức tin, bước vào một tình trạng sống mà chúng ta không còn chăm sóc cho bản thân mình, mà phải tin tưởng, với một đức tin thuần túy nhất, rằng Thiên Chúa sẽ chu cấp cho chúng ta. Điều này cũng tương tự với linh đạo của Ấn giáo, cho rằng trong giai đoạn cuối cùng, trưởng thành trọn vẹn của cuộc đời, chúng ta nên trở thành môn đệ sannyasin, hành khất già thánh thiện.
Tôi nghĩ rằng, hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ chủ động cắt đứt mọi an toàn cũ của mình để đặt mình vào tình trạng mà chúng ta bất lực trong việc chu toàn và chăm sóc bản thân. Nhưng đây là lúc thể hiện vị trí của mình một cách tự nhiên. Quá trình già đi sẽ làm điều đó cho chúng ta. Nó sẽ biến chúng ta thành môn đệ sannyasin và đưa chúng ta vào đêm tối tâm hồn.
Như thế nào? Khi già đi, sức khỏe suy yếu và thấy bị đẩy ra rìa hơn, không còn một vị trí quan trọng trong xã hội, chúng ta sẽ dần mất đi năng lực tự chăm sóc cho bản thân. Cuối cùng, nếu sống đủ lâu, hầu hết chúng ta sẽ chuyển sang sống trong cơ sở hỗ trợ sinh hoạt, và nó là một tu viện tự nhiên.
Đúng là một ẩn dụ quá thích hợp! Cơ sở hỗ trợ sinh hoạt như một tu viện tự nhiên. Ẩn dụ này cũng thích hợp cho ý nghĩa của việc (bị cưỡng bách) bước vào đêm tối tâm hồn và việc làm môn đệ sannyasin, hành khất già thánh thiện. Thực chất nó mang ý nghĩa: khi ai đó sống trong cơ sở hỗ trợ sinh hoạt, thì dù người đó là triệu phú hay người bần cùng, thì luật cũng như nhau. Vì chúng ta không thể chăm sóc cho bản thân (và thật sự là không cần phải làm thế), thì chúng ta sống một cuộc sống tu viện vâng phục và phụ thuộc.
Khi cần hỗ trợ sinh hoạt, là chúng ta sống theo tiếng chuông tu viện và chết như một hành khất già thánh thiện.
Rev. Ron Rolheiser, OMI