Sứ mệnh của Đức Maria & Sứ Mệnh Đời Ta - Thư Linh Hướng Melbourne Tháng 5/2024 - Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng

Sứ mệnh của Đức Maria & Sứ Mệnh Đời Ta

 

"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền." (Lc 1:38).

 

Theo Kinh Thánh, Mẹ Maria có họ hàng với tư tế Dacaria và bà Êlisabét; Mẹ đã

đính hôn với Giuse và cư ngụ ở làng Nadarét miền Galilê xứ Palestine (Lc 1:26). Mẹ sống bình dị; là phụ nữ, Mẹ cũng phải gánh chịu thiệt thòi và thái độ khinh miệt của xã hội Do Thái thời bấy giờ. Tuy vậy, Mẹ đã được Thiên Chúa đặc tuyển giữa bao người xuyên suốt bao thế hệ. Mẹ Maria đã được lãnh nhận đặc ân đó ngang qua biến cố truyền tin.

 


Nơi biến cố truyền tin, Đức Maria đã đón nhận trực tiếp Lời của Thiên Chúa hay Ngôi Lời ngay khi Mẹ thưa tiếng "Xin Vâng." Do đó, Đức Maria là người của Lời là Ngôn sứ của Chúa và lãnh nhận một sứ mệnh đặc biệt. Ngôi Lời mà Mẹ được trao phó để cưu mang và sinh ra cho nhân loại. Chính Ngôi Lời đó dạy dỗ toàn dân bằng Lời hằng sống để họ được sống dồi dào, và thậm chí Ngôi Lời đó còn bị chết đi, nhưng đã phục sinh để cứu độ chúng sinh.

 

Chúng ta không dừng lại ở biến cố truyền tin, vì đời sống của Đức Maria cho thấy Mẹ là người có một đời sống chiêm niệm sâu xa; đời sống nội tâm của Mẹ được Kinh Thánh diễn tả bằng việc "suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2:19, 2:51). Nhờ là người chiêm niệm mà Đức Maria trở nên người có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, kinh nghiệm về Thiên Chúa: "Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả" (Lc 1:49a). Mẹ nghiệm thấy rằng bàn tay Chúa hoạt động trong cuộc đời Mẹ. Qua chiêm niệm, Mẹ đã lắng nghe, nhận định, học hỏi, tìm ra ý nghĩa của dấu chỉ hay thánh ý của Thiên Chúa.

 

Qua sứ mệnh cưu mang và sinh ra Ngôi Lời, Đấng cứu độ trần gian, là Ngôi Hai Con Thiên Chúa, làm cho Mẹ trở thành người của công chúng trong công trình cứu chuộc của Chúa. Mẹ được chọn là vì mọi dân mọi người, cho mọi thời đại.

 


Hơn nữa, là ngôn sứ, Mẹ là người trung gian chuyển cầu cho dân và biện hộ cho dân trước tòa Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, chúng ta chưa bao giờ thấy Mẹ đi rao giảng Lời cho dân, cũng như biện hộ cho họ trước Thiên Chúa. Nhưng trong tiệc cưới Cana, khi thấy hết rượu, Mẹ đã làm trung gian giữa những người hầu và Chúa Giêsu. Một cách nào đó Mẹ đã "chuyển cầu" và "biện hộ" cho cặp hôn nhân thoát khỏi sự "phê phán bẽ bàng". Tuy nhiên, xét về mặt thần học, hơn ai hết Mẹ là đấng trung gian thần thế nhất trước mặt Thiên Chúa để bầu cử cho toàn thể nhân loại.

 

Cuối cùng, Đức Maria là người bị bách hại! Sau khi đón nhận lời truyền tin, ngay lập tức Mẹ cảm nhận những đe dọa rình rập mình. Đe dọa có thể đến từ những người Mẹ yêu dấu: những nghi vấn từ người thân trong gia đình, nhất là Giuse, vị hôn phu của Mẹ, có thể tố cáo về bào thai Mẹ đang cưu mang. Nếu gia đình hay Giuse tố cáo thì Mẹ đã bị kết án ngoại tình, và chắc chắn Mẹ không thể thoát khỏi án tử; đây là cái giá mà Mẹ có thể phải trả vì lời xin vâng, chấp nhận Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Đe dọa tiếp tục xảy đến với Đức Maria từ Hêrôđê, ông muốn tiêu diệt Ngôi Lời bé thơ, đang trong vòng tay của Mẹ; may thay Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời để giải cứu (x. Mt 2:13-14). Cuộc đời của Mẹ và Ngôi Lời chưa hết những mối đe dọa về thể lý lẫn tâm hồn nhất là lúc Mẹ đứng dưới thập giá trên đồi Golgotha. Lời tiên tri của ông Simêon đã minh chứng điều đó.

 

"Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ tâm tư nhiều người sẽ được bộ lộ... Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà" (Lc 2:34-35).

 


Những đặc điểm trên cho chúng ta thấy Mẹ đã can cường đáp lại lời "Xin Vâng" của Thiên Chúa và từ phút giây đó Mẹ không ngừng sống Ơn Gọi của Mẹ và thể hiện Sứ Mệnh mà Mẹ đã được mời gọi lãnh nhận. Ơn gọi của Đức Maria được thể hiện cụ thể qua trình thuật truyền tin và Sứ mệnh của Mẹ được thể hiện cách sống động ngang qua con người của Đức Giêsu-Ngôi Lời nhập thể, đi truyền giảng và đặc biệt qua cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa.

 

Đức Maria thực hiện sứ mệnh một cách thật tuyệt diệu. Lời "xin vâng" khởi đầu cho sứ mệnh của Mẹ, nói lời xin vâng trong tự do, bất chấp những thách đố, những hiểm nguy xảy đến! Mẹ cũng phải cưu mang "Sứ Điệp Giêsu" chín tháng mười ngày như bao phụ nữ khác. Khi thời gian đã mãn, qua biến cố giáng sinh, Đức Maria "công bố" Sứ Điệp hay Lời Giêsu cho toàn thể nhân loại dù cho lúc đó chỉ có một số người được diễm phúc đại diện để chứng kiến. Sau khi Lời Giêsu được công bố, tiếp theo là một chuỗi những ngày dài vất vả của Mẹ để dưỡng nuôi Lời lớn lên, dạy dỗ Lời cho đến ngày Lời trưởng thành, ra đi thực thi sứ mạng của mình. Bởi Sứ Điệp của Đức Maria là Ngôi Lời làm người, nên đến ngày Ngôi Lời ra đi thực hiện chương trình cứu độ; Mẹ không còn có quyền trên Lời nữa, giờ đây tự Lời tỏ hiện quyền năng của mình: Lời giảng dạy, Lời an ủi, Lời hy vọng, Lời yêu thương, Lời cứu sống và Lời cứu độ…

 

Tuy vậy, Sứ mệnh của Đức Maria mang tính vượt thời gian. Sứ mệnh của Mẹ không chỉ nằm trong một giai đoạn lịch sử cách đây 2000 năm, mà Sứ mệnh đó vẫn được công bố, đụng chạm, thách đố và cứu độ hàng tỷ người trên thế giới trong suốt 21 thế kỷ qua cũng như biết bao nhiêu người sẽ đến trong tương lai.

 

Ngày nay, con người chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều biến động, khủng hoảng trên mọi bình diện – tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình - Chúng ta, những người Cursillista, sống ngày thứ Tư, chúng ta cần suy niệm, ngắm suy đi, suy ngắm lại Sứ mệnh của Đức Maria để sống và như Mẹ loan truyền cùng sứ mệnh ấy cho gia đình, cộng đoàn xã hội chúng ta. Vì như Mẹ chúng ta đã nhận lãnh Sứ mệnh ấy trong ngày chịu Phép rửa tội và là người Cursillistas chúng ta đã lãnh nhận cùng sứ mệnh ấy qua "Sứ Vụ Lệnh" sau khóa ba ngày của chúng ta.

 


Khởi đi từ chính trong môi trường chúng ta đang sinh sống và làm việc, chúng ta hãy đem niềm vui đến cho những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày… Hãy đến với những người chưa nhận biết Lời là Đức Kitô và ơn cứu độ của Người để trở nên những người thân cận của họ, để rồi từng ngày một ta trình bày cho họ nghe về chính Thiên Chúa là cội nguồn tình yêu, là chân lý và là hạnh phúc đích thực mà con người cần hướng tới. Hãy chạy đến với Chúa Thánh Thần, chính Người là "Thần chân lý" (Ga 16:13), Người sẽ dạy chúng ta biết nói gì và mở rộng tâm hồn mọi người để Sứ Điệp mà ta loan báo được đón nhận và trổ sinh hoa trái. Và sau cùng, nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta nói lên lời "xin vâng" của mình, khi ý thức nhu cầu cấp bách phải làm cho Tin Mừng của Đức Giêsu vang dội trong thời đại chúng ta.

 

De Colores

Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB

Dominic Thang Vien

Sống ở giây phút hiện tại ý thức có Chúa ở cùng. Present with God inner peace

Previous Post Next Post

نموذج الاتصال